tân cổ đời tôi cô đơn- dũng thanh lâm

Saturday, September 22, 2012

.

.

Đại gia Việt: Thua lỗ mất trắng DN, đi làm thuê


-  Sở hữu những thương hiệu nổi tiếng hàng đầu tại Việt Nam, nhiều đại gia phải ngậm ngùi nhìn cảnh doanh nghiệp (DN) lao dốc thê thảm. Thậm chí, họ buộc phải chia tay với DN 1 thời làm nên tên tuổi của mình, còn nếu có giữ được tên thì cũng bị thuộc về ngân hàng hay các ông chủ khác thâu tóm.




Mất trắng DN

Gần cuối tháng 8/2012 vừa qua, Công ty cổ phần nước giải khát Sài Gòn - Tribeco (TRI) đã tổ chức đại hội bất thường để xin ý kiến cổ đông thông qua việc giải thể công ty. Theo đó, Tribeco giải thể và các cổ đông còn lại sẽ nhận 2.300 đồng/cổ phiếu. Đây là mức quá thấp so với mức giá gần 60.000 đồng/cổ phiếu cách đây khoảng 5 năm.

Kết cục buồn thảm nói trên được giới đầu tư đánh giá là 1 phần do thương hiệu Tribeco với 20 năm tồn tại, là 1 trong những DN mở hàng cho TTCK Việt Nam bị “ông lớn” nước ngoài có chủ đích thâu tóm từ lâu. Nhưng, 1 lý do rất quan trọng là các cổ đông lớn của TRI đã không thực sự quản trị tốt trong quá trình phát triển doanh nghiệp dẫn tới thua lỗ liên tiếp nhiều năm và vốn chủ sở hữu tính tới cuối tháng 7/2012 âm 126 tỷ đồng.

Theo dự kiến trong tháng 9, mọi hoạt động của Tribeco Sài Gòn sẽ do Tribeco Bình Dương, 1 công ty do nhà đầu tư nước ngoài (Đài Loan) nắm giữ 100% vốn, tiếp quản.

Cũng gần giống như Tribeco, Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) đã buộc phải sáp nhập vào Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) sau 1 thời gian quản trị không tốt gây ra tình trạng thua lỗ, nợ xấu lớn và gần cụt vốn chủ sở hữu (theo báo cáo tài chính kiểm toán 2011, vốn chủ sở hữu của Habubank là hơn 4.051 tỷ đồng, còn nếu đánh giá đặc biệt, vốn chủ của Habubank chỉ còn hơn 195 tỷ đồng).

Trong khi đó, trả lời câu hỏi của báo chí về phương thức quản trị sau sáp nhập, bộ máy lãnh đạo mới, ông Đỗ Quang Hiển cho biết: “Do HBB sáp nhập vào SHB cho nên HĐQT của SHB vẫn giữ nguyên. Trong trường hợp Đại hội, cổ đông của HBB có nguyên vọng tham gia vào HĐQT của ngân hàng sau sáp nhập, thì sẽ xin ý kiến của Đại hội cổ đông. Đây không phải là hợp nhất. Nếu hợp nhất, thì mới phải đại hội lại”, ông Hiển cho biết.

Như vậy, có thể thấy, những thành viên HĐQT khác đã gần như hoàn toàn mất tiếng nói trong ngân hàng SHB mới. Sự nuối tiếc với thương hiệu Habubank vẫn hiện lên ở đâu đó với các cổ đông lớn của HBB nhưng sự thật thì khó lòng tránh khỏi. HBB đã gây sốc cho không ít cổ đông khi lãnh đạo ngân hàng này trước đó đưa ra thông tin vốn chủ chỉ còn hơn 195 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ngân hàng thời điểm 29/2, nếu theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS), là 16,06%.

Tự bán mình


Với cùng lý do quản trị không tốt, nhiều doanh nghiệp nổi tiếng khác như Bianfishco, Tập đoàn Thái Hòa, Bibica… cũng đã phải ngậm ngùi nuốt quả đắng thua lỗ. Trong số đó, có DN đã phải bán mình làm thuê cho ngân hàng cho dù trước đây quy mô của DN cũng không thua kém ngân hàng là mấy.

Trường hợp của Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco) là 1 ví dụ. Để tránh tình trạng phá sản, đại gia Diệu Hiền, bà chủ cũ của doanh nghiệp này, đã phải bán DN cho các đối tác khác để trả nợ trong bối cảnh khó khăn không lối thoát.

Tới giờ này, số phận của Bianfishco đã gần như an bài bời từ ngày 25/8 Ngân hàng SHB đã công bố giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới của Bianfishco với 1 điểm nổi bật là SHB là cổ đông sáng lập và sở hữu 50% cổ phần của công ty này.

Trong trường hợp CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (THV), công ty này chưa đến mức “bán mình” nhưng trên thực tế DN đang niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung này liên tiếp bị đơn vị kiểm toán lưu ý về dư nợ ngắn hạn và tài sản ngắn hạn hiện tại của công ty. Khả năng hoạt động liên tục của công ty phụ thuộc vào kết quả kinh doanh trong kỳ tiếp theo và công ty có nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức tín dụng về kế hoạch giãn nợ, tái cơ cấu nợ hay không....

Gần đây, THV liên tục cho rằng công ty đã đàm phán được với 1 số ngân hàng để chuyển từ nợ ngắn hạn thành dài hạn. Ban giám đốc cũng đã nhìn nhận ra nguyên nhân thua lỗ và thanh khoản thấp và cho biết các khách hàng đã quay trở lại với công ty, cũng như khả năng thành công của kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược để bổ sung vốn lưu động.

Ngay cả vị chủ tịch HĐQT như thế chấp cả nơi mình đang đang sinh sống để vay tiền ngân hàng, hỗ trợ công ty trong lúc khó khăn… dường như vẫn chưa mấy phát huy tác dụng. THV vẫn đang chờ đợi 1 sự thần kỳ nào đó để trở lại với vóc dáng to lớn trước đây.

Trên thị trường bất động sản (BĐS), tình trạng các doanh nghiệp trong lĩnh vực này bán mình, bán dự án có lẽ phổ biến hơn nhiều. Phía “mua” không ai khác, chính là các ngân hàng đã cho các doanh nghiệp BĐS vay và nhận tài sản cầm cố là các dự án, những quyển sổ đỏ…

Trên thực tế, việc “bán mình” của các doanh nghiệp BĐS khá kín đáo bởi những thương vụ “không ai muốn” này có thể ảnh hưởng tới danh tiếng của doanh nghiệp và có thể khiến công ty khó làm ăn, khó huy động vốn sau này.

Có một thực tế là cho tới nay, sau bao nhiêu nỗ lực từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc mở cửa tín dụng cho các DN trong nhiều ngành nghề, trong đó có BĐS. Nhưng dòng tiền tới với các doanh nghiệp vẫn rất ít. Nhiều đơn vị dường như đã rơi vào tình trạng mất thanh khoản, không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án.

Hiện tượng DN huy động vốn của khách hàng mua nhà 50-70%, thậm chí 100% nhưng dự án bỏ bê để đấy là rất nhiều. Khách hàng kiện tụng xảy ra triền miên. Đây là lý do khiến hiện tượng bán tháo dự án, thậm chí bán cả doanh nghiệp là khó tránh khỏi.

Một số trường hợp DN đầu tư hơn 200 tỷ đồng vào dự án nhưng sau đó bán lại cho ngân hàng chủ nợ chỉ bằng khoảng 60% giá trị ban đầu. Hay 1 DN chuyển nhượng dự án trị giá 700 tỷ đồng cho ngân hàng làm trụ sở và khai thác cho thuê văn phòng.

Hay như trường hợp Công ty Địa ốc Đất Lành bán cao ốc đa năng trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình, TPHCM) cho một đối tác không tiết lộ là ngân hàng hay doanh nghiệp với giá hơn 80 tỷ đồng…

Nói chung, trong thời buổi khó khăn và các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp BĐS nằm trên đỉnh núi tồn kho như hiện tại, thì việc giải phóng, bán được cái nào hay cái đó. Giá gần đây đã được các doanh nghiệp đồng loạt kéo xuống thêm 30-50% nhưng xem ra người có nhu cầu và có khả năng mua thực sự ít.

Đối tượng có tiền và thực sự đang được các doanh nghiệp BĐS nhắm tới, cầu cứu họ mua lại các dự án của mình chính là các ngân hàng. Việc bán tháo với giá thấp cho các “chủ nợ” này có lẽ còn tốt hơn là dự án cứ để đó, nợ chồng chất, lãi tăng lên từng ngày.

Khủng hoảng rõ ràng đã góp phần khiến 1 số doanh nghiệp trăm tỷ, thậm chí ngàn tỷ phải dúm dó. Không ít trong số đó phải chấp nhận bán mình, làm thuê cho ngân hàng. Lịch sử phát triển có thể là vài chục năm, nhưng sai lầm có thể khiến các đại gia mất DN trong 1 thời gian rất ngắn. Đại gia, ông chủ một thời nay thành người làm thuê dù có thể được ưu ái giữ lại cho cái chức danh để tiện giao dịch.

Trong khủng hoảng, hiện tượng mua bán thâu tóm trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Mọi người đều chấp nhận như vậy.

Tuy nhiên, chỉ có điều không ít các DN rất lớn, uy tín và thương hiệu rất mạnh nhưng lại bị sụp đổ 1 cách rất nhanh chóng và bất ngờ. Nó cho thấy 1 sự thật là tình hình quản trị của các doanh nghiệp kể cả lớn và nhỏ ở Việt Nam còn rất yếu kém. Không những thế, nhiều ông chủ/bà chủ lại nôn nóng muốn phát triển doanh nghiệp nhanh hơn nữa. Rủi ro xảy ra, nhiều người đã buông xuôi sự nghiệp gây dựng bao nhiêu năm. Thậm chí có 1 số doanh nhân lẫy lừng đã phải “nhập trại” do nợ quá nhiều không có khả năng trả nợ.

No comments:

Post a Comment