tân cổ đời tôi cô đơn- dũng thanh lâm

Friday, September 28, 2012

Nhiều sai sót trong thi công đập Sông Tranh 2

- "Quá trình tổ chức thi công xây dựng các khe nhiệt chưa được đảm bảo, chưa tổ chức kiểm tra, nghiệm thu chặt chẽ. Thiết bị quan trắc chưa được lắp đặt đầy đủ trong quá trình thi công xây dựng, một số thiết bị hư hỏng chưa kịp thời khắc phục…" - Đây là kết luận của Hội đồng nghiệm thu nhà nước công bố sáng nay về thủy điện Sông Tranh 2 (28/9)…
Đến thời điểm này đập Sông Tranh 2 vẫn an toàn!
Thời gian gần đây, hiện tượng thấm nước bờ đập Sông Tranh 2 cũng như động đất liên tiếp xảy ra đã gây thiệt hại về nhà cửa và gây ra nỗi hoang mang trong dân chúng.
Ông Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch Hồi đồng nghiệm thu nhà nước khẳng định đập Sông Tranh 2 đến thời điểm này vẫn an toàn. Tuy nhiên, thi công còn quá nhiều sai sót.

Theo báo cáo, công trình thuỷ điện Sông Tranh 2 có công suất lắp máy 190 MW, với dung tích hồ chứa 730 triệu m3, chiều cao lớn nhất của đập dâng là 96 m.
Công tác chống thấm được triển khai ngay sau đó do nhà thầu của Viện Thiết kế Hoa Đông (Trung Quốc) đảm nhiệm thi công chống thấm 10 khe nhiệt, có lưu lượng nước thấm phun trào lớn nằm dưới nước và Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ XD) xử lý 20 khe có lưu lượng nước thấm nhỏ.
Qua kiểm tra, đến thời điểm này, đối với 10 khe nhiệt có lượng nước thấm phun trào, lượng nước thấm giảm còn 0,02 lít/giây, giảm 99% lượng nước thấm.
Đối với 20 khe nhiệt còn lại lượng nước thấm giảm còn 0,015 lít/giây. Riêng nền đập, lượng nước thấm giảm 24%.
Sau khi xử lý chống thấm, ở mực nước hồ là 144 m, tổng lưu lượng nước còn 3,19 lít/giây, giảm 89,4%.
Đánh giá chất lượng công trình đập Sông Tranh 2, ông Nguyễn Văn Liên - Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhà nước nhấn mạnh: Con đập này được thi công theo công nghệ bê tông đầm lăn được đánh giá là đạt yêu cầu so với thiết kế.
Tuy nhiên, chất lượng thi công xây dựng các khe nhiệt chưa đảm bảo, chưa tổ chức kiểm tra, nghiệm thu chặt chẽ. Thiết bị quan trắc chưa được lắp đặt đầy đủ trong quá trình thi công xây dựng, một số thiết bị hư hỏng chưa kịp thời khắc phục…
"Đây là những vấn đề dẫn đến việc nước phun trào ở thân đập Sông Tranh 2. Trách nhiệm thuộc về nhà thầu thi công xây dựng và trách nhiệm giám sát" - ông Liên nói và đánh giá, đến thời điểm này đập Sông Tranh 2 vẫn an toàn, ổn định!
Ai chịu trách nhiệm?
Theo báo cáo, qua kết quả tính toán cũng như đánh giá của tư vấn độc lập, không phát hiện thấy biểu hiện của bất kỳ vết nứt nào ở mặt thượng lưu và hạ lưu đập, không có vết nứt ở kết cấu phụ, trên đỉnh đập.
Đánh giá của các chuyên gia, đập Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn ổn định theo mực nước thiết kế 175m, với động đất có gia tốc nền là 150 cm/s2.
Các trận động đất xảy ra trong thời gian vừa qua được ông Liên khẳng định là động đất kích thích và do tích nước hồ chứa thuỷ điện Sông Tranh 2. Trong thời gian tới, động đất tiếp tục xảy ra nhưng khó vượt mức cực đại 5,5 độ richter!
Các chuyên gia cũng đã công bố kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải là chưa cho tích nước hồ chứa Sông Tranh 2 để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân vùng hạ lưu trong mùa mưa lũ này.
Trả lời các câu hỏi của báo chí về việc xử lý các bên liên quan để xảy ra sự cố thấm nước phun trào tại Sông Tranh 2, ông Trần Văn Được, Phó Tổng EVN khẳng định đang được xem xét xử lý cụ thể.
Khi được hỏi về các tiêu chí đánh giá 'Tác động môi trường" của công trình thuỷ điện này, ông Tài Sơn, Tổng Giám đốc CTTV thiết kế điện 1 cho biết, đã căn cứ các qui chuẩn của quốc tế đã được công bố.
Liên quan đến động đất, trả lời câu hỏi việc cảnh báo động đất được xác định đúng bao nhiêu % tại khu vực Sông Tranh 2, TS Lê Huy Minh, Phó Viện Trưởng Viện địa lý địa cầu khẳng định: Chúng tôi dựa trên các dữ liệu động đất tại khu vực trong nhiều năm để đưa ra kết luận.
"Việc đưa ra những kết quả đánh giá chính xác động đất tại Sông Tranh 2 gặp rất nhiều khó khăn vì tại khu vực chưa có trạm quan trắc động đất mà dựa trên thông số đo gia tốc cũng như ghi nhận của trạm quan trắc tại Huế đặt quá xa khu vực.
Chính vì vậy, việc xử lý dựa trên kinh nghiệm của các nhà chuyên môn để đưa ra kết luận nên rất khó nói là chính xác" - TS Minh cho hay.
Trong khi đó, ông Tài Sơn cho biết, tại thời điểm thiết kế các khu tái định cư nhà dân, chưa tính toán đến việc kháng chấn cho nhà dân trong khu vực. Vì vậy, các bên liên quan phải có trách nhiệm với người dân trong khu vực khi hậu quả xảy ra và trong thời gian tới cần đưa ra qui chuẩn xây dựng kháng chấn tại khu vực này.
Có thông tin tại cuộc họp báo cho rằng, trước khi tích nước phải có giấy chứng nhận an toàn đập. Vậy EVN có giấy chứng nhận an toàn đập của cơ quan có thẩm quyền hay chưa?
Trả lời, đại diện EVN cho biết: Không có giấy chứng nhận, chỉ có văn bản của Hội đồng nghiệm thu trên cơ sở hồ sơ hoàn công và cho tích nước. Công trình này chưa nghiệm thu hoàn thành toàn bộ công trình.
Trả lời PV VietNamNet, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh cho biết tạm thời đã yên tâm sau kết luận của Hội đồng nghiệm thu nhà nước và quyết định của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Nhưng Quảng Nam còn rất nhiều việc phải làm để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân vùng hạ du công trình này.

No comments:

Post a Comment